Kế hoạch "Typhoon" của Đức và ý đồ phòng thủ của Liên Xô Trận_Moskva_(1941)

Kế hoạch "Typhoon"

Ý đồ của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) định hợp vây hai Phương diện quân Tây và Dự bị của Liên Xô, tháng 9 năm 1941

Đến trước trận Moskva, Cụm tập đoàn quân Trung tâm vẫn là lực lượng mạnh nhất của Quân đội Đức Quốc xã trên chiến trường Xô-Đức. Nó chiếm 68% tổng số xe tăng Đức với tập đoàn quân xe tăng 2 của tướng Guderian, tập đoàn quân xe tăng 3 của tướng Hoth và tập đoàn quân xe tăng 4 của tướng Hopner. Đạo quân này cũng có trong tay 38% bộ binh Đức trên chiến trường với các ba tập đoàn quân dã chiến, hai quân đoàn bộ binh cơ giới. Khi vạch kế hoạch này, Bộ chỉ huy Cụm tập đoàn quân Trung tâm của Đức do Thống chế Fedor von Bock chỉ huy vẫn áp dụng chiến thuật quen thuộc của quân đội Đức đã đem lại nhiều thành công trên chiến trường Tây Âu và mấy tháng chiến tranh đầu tiên với Liên Xô. Đó là việc sử dụng các mũi đột kích sâu, ồ ạt và nhanh chóng bằng xe tăng trên các khu vực xung yếu của mặt trận Quân đội Liên Xô, hình thành ba đòn vu hồi liên tiếp từ Dukhovshchina (dải của tập đoàn quân xe tăng 3), Roslavl (dải của tập đoàn quân xe tăng 4) và Shostka (dải của tập đoàn quân xe tăng 2); bao vây chủ lực của Quân đội Liên Xô tại các tuyến Rzhev - Vyazma (tuyến ngoài) và Volokolamsk - Mozhaysk - Kaluga (tuyến trong), cuối cùng, hội quân tại tuyến Ryazan - Noghinsk, kết thúc chiến dịch.[24]

Theo tính toán của Quân đội Đức Quốc xã, với ưu thế vượt trội về xe tăng, pháo binh và không quân, quân Đức sẽ đánh chiếm được Moskva một cách nhanh chóng, tương tự như ở Belorussia cuối tháng 6, ở Uman và phía Đông Kiev cuối tháng 9 năm 1941.

Từ sự lạc quan này, bộ chỉ huy Đức đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng: chủ quan với những thắng lợi lớn ở mặt trận, ngày 16 tháng 8 năm 1941, Thống chế lục quân Đức Wilhelm Keitel đề nghị cắt giảm nỗ lực sản xuất quân sự vào mùa thu năm 1941 vì chắc chắn rằng Đức sẽ đánh bại Liên Xô trước mùa đông, và Hitler đồng ý. Quân Đức vì chủ quan khinh địch, tin rằng sẽ sớm chiến thắng nên đã không chuẩn bị đầy đủ trang bị cho một chiến dịch trong mùa đông, đây là sai lầm chiến lược của họ trong chiến dịch này (và "chủ quan khinh địch" cũng là một dạng sai lầm nghiêm trọng nhất trong bất kỳ một cuộc chiến tranh nào).

Ý đồ phòng thủ của Liên Xô

Để bảo vệ Moskva quân đội Xô Viết cho thiết lập ba tuyến phòng thủ: tuyến ngoài: Rzhev (Ржев) – Vyazma (Вязьма) – Bryansk (Брянск) cách thủ đô khoảng 200–500 km; tuyến trong: Volokolamsk (Волоколамск) – Mozhaysk (Можайск) – Kaluga (Калуга) cách Moskva thoảng 100–150 km và tuyến cuối cùng là vành đai xung quanh thành phố. Phương diện quân Tây do Thượng tướng Ivan Stepanovich Koniev chỉ huy gồm các tập đoàn quân 22, 29, 30, 19, 16, 20 lần lượt bố trí từ Dvina Tây xuống Yelnya. Do coi trọng hướng Tây, 2/3 binh lực của Phương diện quân Dự bị do Nguyên soái Budyonny gồm các tập đoàn quân 31, 48, 32, 33 được bố trí ngay phía sau Phương diện quân Tây. Một phần ba binh lực của Phương diện quân này (các tập đoàn quân 24 và 43) phòng ngự trong dải Yelnya - Roslavl. Mặc dù trước đó, trinh sát đường không của Phương diện quân Tây Bắc đã thấy nhiều đoàn xe tăng Đức di chuyển từ Cụm tập đoàn quân Bắc xuống phía Nam nhưng trinh sát mặt đất lại không nắm được địch tình nên Bộ tư lệnh Phương diện quân Dự bị không biết rằng đối diện với hai tập đoàn quân này là tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) còn sung sức mới được điều từ mặt trận Leningrad về và nằm trong dải tiến công của tập đoàn quân dã chiến 4. Phương diện quân Bryansk gồm các tập đoàn quân 3, 13 đã suy yếu trong các trận đánh hồi mùa thu năm 1941 phòng thủ hướng Tây Nam. Trong tay tướng Yeryomenko, tư lệnh phương diện quân chỉ có lữ đoàn xe tăng 17 chống lại tập đoàn quân xe tăng 2 (Đức).[25]

Nhân dân Moskva đã thành lập 12 sư đoàn dân quân gồm những công nhân, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, bác sĩ, giáo sư, văn nghệ sĩ… vừa đánh địch vừa học quân sự. 40 đội du kích ra đời tiến hành quấy rối, phá hoại ở sau lưng quân Đức. Hơn 12.000 đội lính cứu hỏa tình nguyện với sự tham gia của 20 vạn người đã được thành lập để bảo vệ thủ đô.

Lực lượng dự bị chiến lược của Quân đội Liên Xô còn đang được xây dựng tại Ural, Trung Á và Povonge (???). Khi bắt đầu chiến dịch phòng ngự, Bộ Tổng Tư lệnh Liên Xô cũng chưa thể tính đến việc điều quân từ Viễn Đông về do chưa xác định rõ thái độ của Nhật Bản.[26]